Tỷ Phú Bán Giày không phải là một cuốn sách dạy cách làm giàu tuần tự theo các bước 1 – 2 – 3,… cũng không hẳn là một cuốn sách chỉ dẫn bí quyết kinh doanh hay nghệ thuật quản lý. Là hành trình tìm ra chân lý của Hạnh phúc, Đam mê và Lợi nhuận, Tỷ Phú Bán Giày kể câu chuyện về thành công và thất bại của tác giả từ những thương vụ kinh doanh được khởi nghiệp từ khi 9 tuổi. Những trang trại giun đất, làm cúc áo thủ công, bán pizza ở Harvard,… đã trở thành nền móng cho một LinkExchange và sau này là Zappos lừng danh. Trên quãng đường đó, có không ít thăng trầm, có lúc ông thành công và cũng gặp phải rất nhiều thất bại. Chắc chắn sau khi đọc cuốn sách, bạn đọc sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Hãy cùng kéo xuống để theo dõi phần Review sách Tỷ Phú Bán Giày của Ebook VN nhé.
Review Sách Tỷ Phú Bán Giày
Lợi nhuận
Với Tỷ Phú Bán Giày, người đọc sẽ nhận được cảm hứng, nhiệt tình và cả một chút điên rồ cho những ý tưởng kinh doanh mà nghe qua tưởng như rất liều mạng. Nhưng với Zappos, Tony Hsieh đã tạo dựng được một thương hiệu về “văn hóa công ty” – chìa khóa thành công để theo đuổi một môi trường làm việc năng động và những dịch vụ xuất sắc. Máu đam mê kiếm tiền chảy trong Tony Hsieh trổi dậy từ khi còn rất nhỏ. Những ngày còn bé, ông đã dám xin bố mẹ 33,45 đô la để mua một trăm con giun đất với mục đích nhân giống và tạo thành một trang trại giun để kiếm lợi nhuận. Với sự thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc giun, ông đã thất bại. Tuy nhiên, khởi đầu với sự thất bại này không làm ông nản lòng, ông rút kinh nghiệm và tìm kiếm lợi nhuận từ các cơ hội khác như bán khuy áo bằng ảnh, chơi game thử nghiệm, quản lý cửa hàng ăn uống tại khu ký túc…
Ông không ngần ngại sáng tạo và chộp lấy bất cứ cơ hội nào miễn là nó kiếm được tiền, thành công có, thất bại cũng có.Ông có máu kinh doanh và sự liều lĩnh, táo bạo mà ở độ tuổi đó, khó có ai làm được như ông. Nhìn chung, Tony Hsieh luôn biết cách học hỏi kinh nghiệm từ đời sống và thực hiện kinh doanh một cách khác biệt so với tất cả mọi người.
Sau khi tốt nghiệp, với tư cách là một sinh viên của đại học Harvard danh tiếng, hàng loạt công ty đến mời Tony Hsieh và những sinh viên khác vào làm việc. Cuối cùng, ông chọn Oracle, bởi vì đó là công ty có mức lương ($40.000/ năm) và phúc lợi nhiều nhất. Tại đây ông làm việc cùng người bạn cùng phòng của mình – Sanjay. Ngược lại với mức lương cao ngất ngưỡng ấy, công việc một ngày của ông lại rất nhẹ nhàng, ông có nhiều thời gian rảnh, cũng chính vì tính ổn định trong công việc, đâm ra ông cảm thấy chán.
Hsieh là mẫu người thích làm những công việc thách thức và có tính sáng tạo cao. Vì vậy, ông đã cùng người bạn Sanjay của mình, từ bỏ Oracle để thành lập nên LinkExchange. Trong suốt quá trình phát triển, công ty được rất nhiều công ty lớn ngỏ ý mua lại, cuối cùng ông đã bán cho Microsoft với giá 265 triệu đô la Mỹ. Với số tiền kiếm được từ Microsoft, Tony Hsieh quyết định trở thành một nhà đầu tư. Ông đầu tư cho nhiều công ty có ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng. Thương vụ đặc biệt nhất mà ông đầu tư vào là Zappos – Công ty bán giày trực tuyến.
Sau một khoảng thời gian làm nhà đầu tư, ông không còn hứng thú với công việc này, ông muốn mình thực sự tham gia và tạo nên một thứ gì đó. Chính điều đó đã thôi thúc ông đầu quân cho Zappos, dành toàn bộ công sức của mình cho công ty đầy tiềm năng này.
Lợi nhuận và đam mê
Công việc không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Ngược lại, Zappos lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Công ty đã gặp rất nhiều vấn đề lớn nhỏ, một trong số đó là khâu vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, việc chuyển hàng trực tiếp từ các thương hiệu đến người tiêu dùng gặp rất nhiều trắc trở và không đem lại hiệu quả cao.
Cuối cùng, Tony cùng cộng sự đã quyết định dựng lên nhà kho riêng của Zappos, nhập hàng từ các thương hiệu lớn và tự Zappos sẽ vận chuyển cho khách hàng. Để thực hiện được việc này, Fred – một trong những người cộng sự thân tín của ông đã làm việc cật lực để tìm được nguồn hàng, còn ông thì phải xoay sở với vấn đề tài chính của công ty.
Sau khi đầu tư rất nhiều tài sản cá nhân, thậm chí bán luôn nhà và đất của mình để có thể duy trì công ty trong những đợt khủng khoảng. Điều này chứng tỏ ông đánh cược cuộc đời của mình với Zappos, ông dám liều mình với đam mê. Sau nhiều thăng trầm, tưởng chừng như không còn triển vọng, nhưng với sự đồng lòng của Tony và toàn thể nhân viên trong công ty, Zappos đã vực dậy với mức doanh thu gấp nhiều lần mục tiêu đề ra.
Cùng với sự phát triển của Zappos, Tony Hsieh và các cộng sự đã khẳng định và đặt ra một tầm nhìn cho sự tiến lên của công ty là: trở thành công ty cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất. Mà muốn làm được điều đó, trước hết công ty cần phát triển văn hóa và lực lượng nòng cốt cho mình.
Trong một bài blog của mình, tác giả đã khẳng định văn hóa chính là thương hiệu của công ty, một công ty muốn hình ảnh thương hiệu vững mạnh thì trước hết cần phải xây dựng một văn hóa công ty khác biệt và phù hợp cho chính mình. Dưới đây là 10 giá trị cốt lõi góp phần định nghĩa nền văn hóa Zappos:
- 1. Mang đến cho khách hàng sự BẤT NGỜ thông qua dịch vụ khách hàng.
- 2. Nắm lấy thời cơ và thay đổi.
- 3. Tạo ra sự thú vị và một chút kỳ quặc.
- 4. Mạo hiểm, sáng tạo và cởi mở.
- 5. Không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình.
- 6. Xây dựng những mối quan hệ cởi mở và chân thật bằng giao tiếp.
- 7. Xây dựng tinh thần gia đình và đồng đội lành mạnh.
- 8. Làm việc hiệu quả.
- 9. Đam mê và quyết tâm.
- 10. Khiêm tốn.
Mỗi công ty sẽ có những nền văn hóa khác nhau, không có hai công ty nào lại giống hoàn toàn về văn hóa cả. Những giá trị trên chỉ phù hợp với riêng Zappos, bạn đọc chỉ nên tham khảo và tự bản thân tìm ra những giá trị cốt lõi thật sự phù hợp với công ty mình, bởi mỗi công ty sẽ có những hoàn cảnh, tầm nhìn cũng như những mục tiêu khác nhau.
Lợi nhuận, đam mê và mục tiêu
Dần dần, tiếng vang của Zappos ngày một vang xa, rất nhiều nhà báo, khách hàng mong muốn được nghe những lời chia sẻ về Zappos của Tony hơn nữa. Vì vậy, để thương hiệu của mình vững mạnh và có được lòng tin từ khách hàng, ông đã tập và thực hiện công việc diễn thuyết trước công chúng – một công việc mà ông không hề có kinh nghiệm.
Từ đó, tiếng tăm của công ty phát triển tốt hơn, công việc kinh doanh cũng thuận lợi. Nhưng vấn đề lại nằm ở Hội đồng quản trị. Với cách làm của Tony Hsieh, sự thỏa mãn của khách hàng ngày một tăng cao, tuy nhiên, giá trị của cổ phần không được tối ưu hóa hoặc phát triển nhanh chóng. Vì vậy, Hội đồng quản trị có xu hướng thuê một CEO khác hoặc ép Tony và cộng sự bán công ty.
Không còn cách nào khác, Tony và cộng sự đã quyết định mua lại Hội đồng quản trị. Để làm được điều này, Tony cần phải có khoảng tiền mặt 200 triệu đô. Đang không biết xoay sở như thế nào thì Amazon ngỏ ý muốn hợp tác với Zappos, bằng cách sáp nhập với Amazon, Tony sẽ giải quyết được vấn đề với Hội đồng quản trị mà vẫn có khả năng điều hành Zappos một cách tự chủ, thậm chí còn giúp Zappos phát triển nhanh hơn nữa nhờ vào nguồn lực từ Amazon.
Sau nhiều năm kinh doanh, tác giả đã khẳng định: Hạnh phúc chính là đích đến mà không chỉ riêng Tony Hsieh mà rất nhiều người khác luôn kiếm tìm. Hạnh phúc là kim chỉ nam cho sự thành công của Zappos, đem đến sự hạnh phúc cho nhân viên, khách hàng, các nhà cung cấp và những người xung quanh sẽ nâng tầm cuộc sống của bạn lên một vị thế mới.
Cảm nhận Sách Tỷ Phú Bán Giày
Tỷ phú bán giày là Câu chuyện về công ty Zappos.com được Amazon mua lại với giá 1.2 tỉ đô (Delivering Happiness) là một câu chuyện về một doanh nghiệp thành công, trong đó, Tony Hseih chia sẻ những bài học kinh doanh khác nhau mà ông đã học được trong cuộc đời, từ một quầy bán nước chanh và cửa hàng bán pizza cho tới LinkExchange, Zappos…Ông cũng đã lý giải việc tập trung vào văn hoá doanh nghiệp có thể dẫn tới những thành công không thể ngờ như thế nào: khiến dịch vụ khách hàng trở thành nhiệm vụ của toàn công ty, không phải chỉ một bộ phận; tập trung vào văn hoá doanh nghiệp như ưu tiên số 1; áp dụng nghiên cứu từ khoa học về hạnh phúc vào việc điều hành doanh nghiệp; giúp nhân viên trưởng thành trong cuộc sống và sự nghiệp.
Cuối cùng, ông cho chúng ta thấy hiệu quả của việc dùng sự hạnh phúc như một khuôn khổ có thể tạo ra lợi nhuận, đam mê, và mục đích trong cả công việc và trong cuộc sống. Trên Amazon.com, “Tỉ phú bán giày – Câu chuyện về công ty Zappos.com được Amazon mua lại với giá 1 tỉ đô” xếp thứ 23 trong số 100 các cuốn sách bán chạy nhất, xếp thứ nhất trong các sách bán chạy nhất về Quản lý, xếp thứ nhất trong các cuốn sách bán chạy nhất về Dịch vụ khách hàng và xếp thứ nhất trong các cuốn sách về kỹ năng Truyền thông.
“Cuốn sách này thật đáng kinh ngạc. Cách mà Tony giúp doanh thu của Zappos tăng trưởng đến 1 tỉ đô la trong 10 năm mới chỉ là sự khởi đầu. Từ việc gây vốn tới việc tìm kiếm được hạnh phúc, từ các thư từ thực tế tới các checklists đều mang đúng nghĩa của nó. Đặc biệt cá nhân và đặc thiết thực.”
Comments